DI SẢN VĂN HÓA

THÀNH HOÀNG ĐẾ - AN NHƠN - BÌNH ĐỊNH


Thành cổ Hoàng Đế là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng tại Bình Định, nơi đây trong lịch sử đã gắn liền với ba thời kỳ lịch sử: Vương quốc Chămpa – Nhà Tây Sơn – Nhà Nguyễn. Khu thành tọa lạc trên địa bàn xã Nhơn Hậu và thị trấn Đập Đá – Thị xã An Nhơn cách Tp.Quy Nhơn chừng 20km về hướng Tây Bắc. Thành cổ Hoàng Đế đã được Bộ VHTT-DL công nhận là di tích Lịch sử cấp quốc gia vào năm 1982.




Thành cổ Hoàng Đế này từng là kinh đô của vương quốc Chămpa  gắn với tên gọi là thành Đồ Bàn. Từ khoảng thời gian từ thế kỷ 11 – thế kỷ 15, kinh đô của Chămpa đóng ở thành Đồ Bàn. Đến năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông tiến hành đem quân chinh phục mãnh đất Chămpa đã sát nhập vùng đất Bình Định vào lãnh thổ của Đại
Việt thì thành Đồ Bàn đã không còn giữ được vai trò là kinh đô của vưong quốc Chămpa. Cho tới khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn diễn ra vào thế kỷ 18 thì khu tòa thành này một lần nữa đã phát huy vai trò lịch sử của mình. Sau khi chiếm được thành Quy Nhơn (nay thuộc phường Nhơn Thành – Thị xã An Nhơn) Nguyễn Nhạc đã quyết định chọn thành Đồ Bàn làm đại bản doanh cho phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Ông đã cho xây dựng vào năm 1775 trên cơ sở thành Đồ Bàn của Vương quốc Chămpa để lại. Vào 1778, cũng tại tòa thành này, Nguyễn Nhạc chính thức đăng cơ ngôi Hoàng Đế, đã lấy niên hiệu là Thái Đức. Từ đây, thành Đồ Bàn lại chính thức mang tên Thành Hoàng Đế , trở thành kinh đô chính thức của chính quyền Trung ương Hoàng Đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc.

Vào 1793, Hoàng Đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc mất, thành Hoàng Đế mất cũng đi vai trò là kinh đô của chính quyền trung ương và lại trở thành một tòa thành mang tính chất phòng ngự trấn giữ thành Quy Nhơn. Khoảng thời gian từ năm 1793 – 1802 là thời gian của bước đường tụt dốc của triều đại Tây Sơn, thành Hoàng Đế là địa điểm xảy ra liên tục những trận chiến quyết liệt nhất giữa nghĩa quân của Tây Sơn và quân đội Nguyễn Ánh. Trong đó, có trận chiến tiêu biểu nhất là vào 1799, khi quân Nguyễn do Chưởng hậu quân Võ Tánh đánh chiếm được thành Quy Nhơn. Để ghi nhớ sự kiện này, Nguyễn Ánh đã chính thức cho đổi tên là thành Bình Định, giao Võ Tánh và Ngô Tùng Châu cùng ở lại trấn thủ thành. Mùa đông vào năm 1799, bước sang năm 1800, 2 vị tướng của nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đã đem quân vây đánh thành Bình Định. Trận chiến này khá kéo dài, quân Võ Tánh bị vây hãm trong thành, trong thế sức kiệt, lương thực hết. Khi quân binh trong thành đã không còn đủ sức để chống trả, Ngô Tùng Châu đã uống thuốc độc tự vẫn. Sau đó, Võ Tánh viết thư gửi cho Trần Quang Diệu xin tha tội cho tất cả tướng sĩ dưới chướng của mình rồi lên lầu bát giác châm lửa tự thiêu. Đến năm 1801, sau khi Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chiếm được thành, đã cảm động trước lòng can đảm của hai tướng nhà Nguyễn nên đã cho an táng tử tế 2 vị tướng quân và tha hết quân Nguyễn.

Năm 1802, triều đại Tây Sơn chính thức sụp đổ và sứ mệnh của thành Quy Nhơn cũng kết thúc tại đây. Nguyễn Ánh lên ngôi, đã lấy niên hiệu là Gia Long, chọn thành Phú Xuân làm kinh đô. Từ đây, thành Quy Nhơn đã chính thức được gọi là thành Bình Định và trở thành lị sở của trấn Bình Định. Năm 1805 nhà Nguyễn tiến hành cho lập lăng Võ Tánh ngay trên nền điện Bát Giác của thành cổ Hoàng Đế và dùng lầu Bát Giác này làm nơi hương khói gọi là Bát Giác lầu. Đến năm 1815, lị sở của trấn Bình Định lại được dời vào phía Nam (thuộc thôn Kim Châu, nay là khu vực Nguyễn Thị Minh Khai – thị trấn Bình Định). Nhà Nguyễn đã cho triệt hạ hết tất cả các cung điện cũ của thành cổ Hoàng Đế, dỡ đá ong của thành cũ mang đi xây thành mới, trừ lầu Bát Giác ra được sửa sang lại làm Đền Song Trung thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu (sau này Lầu Bát Giác còn có tên gọi là Đền Chiêu Trung).

Trải qua những quảng thời gian thăng trầm của lịch sử, hiện nay trong khuôn viên Tử Cấm Thành và thành cổ Hoàng Đế vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của vương quốc Chămpa – Nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn. Các kiến trúc của các thời kỳ nằm đan xen lẫn nhau, tạo nên sự phong phú và nét đặc trưng của di tích. Thành cổ Hoàng Đế nguyên là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm có ba vòng thành: Thành Ngoại – Thành Nội và Tử Cấm Thành. Thành ngoại có chu vi là 7400m, hiện nay phần còn lại của tường thành cao từ 3 – 6m, trên mặt bờ thành phía Nam còn lưu giữ hai thanh đá cắm thẳng đứng cao 3m, đó là dấu tích của thành Đồ Bàn của người Chăm, cho đến nay vẫn chưa xác định được ý nghĩa của hai thanh đá đó đối với kinh đô Đồ Bàn.

Khu vực thành nội còn được gọi là Hoàng Thành có hình chữ nhật dài, với chu vi 1600m, chiều dài 430m, chiều rộng 370m. Thành Nội đã bị phá hủy hoàn toàn và hầu như không còn gì, những dấu vết còn rót lại cho thấy tường thành từng được xây bằng đá ong và đắp đất, có 3 cửa ở 3 mặt Nam – Đông – Tây, cửa chính hướng về phía Nam gọi là cửa Tiền. Trước cửa Tiền hiện còn hai tượng voi đá gồm một voi đực và một voi cái.

Bên trong khu vực Thành Nội là Tử Cấm Thành cũng có hình chữ nhật với tổng chu vi 600m, chiều dài 174m và chiều rộng 126m, cửa chính quay về hướng Nam, còn được gọi là Nam Lâu. Tường thành đắp bằng đất và đá ong hai mặt dày 1,5m, bờ tường cao nhất hiện còn khoảng 3m. Nơi đây hiện vẫn còn lưu giữ 3 tượng sư tử đá có niên đại từ thế kỷ 12; hai hồ bán nguyệt (còn gọi là thủy hồ) dài 17m và rộng 10m có độ sâu 1,6m; lầu Bát Giác và khu lăng thờ hai viên tướng nhà Nguyễn là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Đây là một khu lăng mang phong cách của mỹ thuật thời Nguyễn nằm trong quần thể của di tích. Đứng từ đây có thể chiêm ngưỡng Tháp Cánh Tiên từ xa xa.

Với những dấu tích và những hiện vật nét kiến trúc còn sót lại cũng như giá trị về một tòa thành đã từng hai lần giữ đóng vai trò là kinh đô trong lịch sử, thì thành cổ Hoàng Đế xứng đáng là một điểm đến kỳ thú trong hành trình đi qua những vùng kinh đô việt cổ của đất nước.

THÁP THỦ THIỆN BÌNH ĐỊNH


Không phải là ngôi tháp độc đáo nhất Bình Định, không phải là ngôi tháp có kiến trúc hoàn mỹ nhất, càng không phải là ngôi tháp có niên đại cổ nhất vùng đất này. Nhưng, tháp Thủ Thiện (còn được gọi là Thủ Hương cổ tháp) được xem là ngôi tháp linh thiêng, điểm du lịch Bình Định gắn liền với nhiều sự vật, sự việc huyền bí bậc nhất nhì của tỉnh.

Theo hành trình du lịch Bình Định, muốn thăm tháp Thủ Thiện, du khách sẽ đến thôn Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Bình Định. Dù không đứng trên các gò đồi cao như các tháp khác, nhưng Thủ Thiện vẫn vươn mình kiêu hãnh trên vùng đất bằng phẳng, tô điểm thêm vẻ hữu tình cho bờ nam sông Kôn. Đến với tháp Thủ Thiện, du khách có dịp chiêm ngưỡng kiến trúc một tháp bình đồ hình vuông tiêu biểu của xứ sở này. Mỗi chiều của tháp là 8,5m, đế của ngôi tháp khá cao nhưng thắt eo lại ở phần giữa, trông duyên dáng như hình hài người thiếu nữ Chăm-pa.

Trên phần thân của tháp có cửa chính mở về phía Đông, kết hợp với vòm cửa có cấu tạo nhọn, hình mũi lao, khiến cho tòa tháp nhìn từ xa như người anh hùng đang dũng mãnh với ngọn lao trên tay. Tuy nhiên, trước sự bào mòn của thời gian, vòm cửa tháp Thủ Thiện đã hư hại đi nhiều, nhưng người ta vẫn phỏng đoán được phần trên của mỗi cửa được tạo dáng như các khám thờ, trong mỗi khám thờ đều có các tượng thần hoặc các bức phù điêu.
Vào sâu bên trong lòng tháp, du khách sẽ còn ngất ngây bởi những vết tích cổ, là nơi gắn phù điêu hay các tượng thờ. Đặc biệt, nếu sự cầu kỳ là vẻ đẹp cấu thành nên các tháp khác ở Bình Định thì sự thanh nhã, đơn giản đến giản lược tối thiểu của tháp Thủ Thiện chính là nét độc đáo của ngôi tháp này, với các cột ốp hoàn toàn không trang trí, các tháp góc được xếp thành nhiều tầng sát nhau.
Khi đã đến với Thủ Thiện, du khách sẽ được nghe qua một câu chuyện truyền kì của tòa tháp này. Chuyện là, trước năm 1985, trên đỉnh tháp Thủ Thiện từ đâu xuất hiện một cây đa to, tán phủ kín cả tòa tháp. Dần dần tháp Thủ Thiện như biến thành hình hài một cây đa ngàn năm tuổi, nên người dân trong vùng vô cùng tôn kính tòa tháp bởi sự linh thiêng đặc biệt này.
Đến Bình Định hôm nay, ghé thăm tháo Thủ Thiện, đáng tiếc là, du khách không còn được nhìn thấy nét đẹp kỳ bí về cây đa xưa nữa, vì cơn bão năm 1985 đã làm ngã cây đa khổng lồ. Tuy nhiên điều kỳ lạ là cây đổ nhưng không hề làm hư hại tháp Thủ Thiện, càng khiến người người tin vào sự lunh thiêng của tháp hơn.


Tháp Chăm

Tháp Chăm, hay còn gọi là tháp Champa, là một dạng công trình thuộc thể loại kiến đền tháp Champa, thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Chàm (còn gọi là dân tộc Chăm, sinh sống ở miền Nam Trung Bộ Việt Nam ngày nay. Có thể thấy vị trí phân bố các đền tháp là những nơi từng là nơi ở của người Champa, xa hơn nữa còn có những ngôi tháp có thể coi là tháp Champa trên đất nước Campuchia như tháp Damray Krap. Ngược lại, những yếu tố Java hay Khmer cũng được thấy trên các tháp Champa như ở Khương Mỹ, Hưng Thanh, Dương Long, hay có cả những ngôi tháp còn được người Champa gọi là "tháp Khmer" như tháp Champa Hoà Lai.
Các tháp Chăm là một khối kiến trúc xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông có không gian bên trong chật hẹp thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông (hướng Mặt Trời mọc). Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Nghệ thuật chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh thể hiện trên mặt tường ngoài của tháp. Các viên gạch liên kết với nhau rất rắn chắc, bền vững tới hàng chục thế kỷ.
Ngày 1 tháng 10 năm 2006, Trung tâm Quản lý di tích-di sản tỉnh Quảng Nam chính thức công bố thông tin: các nhà khoa học của Đại học MilanÝ khi đang làm việc trùng tu nhóm tháp G-thuộc Thánh địa Mỹ Sơn đã nhận biết được loại vật liệu kết dính để xây tháp Champa cách đây vài triệu năm. Đó là loại keo được tinh chế từ một loài thực vật vốn có rất nhiều trong khu vực quanh di sản Mỹ Sơn, mà người dân địa phương thường gọi là cây dầu rái. Ngoài ra, họ cũng đã phát hiện ra một loại hợp chất có nguồn gốc từ thực vật bản địa nói trên có trong gạch sử dụng để xây tháp. Như vậy, những điều bí ẩn xung quanh vật liệu được người Chăm sử dụng để xây dựng các công trình tôn giáo ở Việt Nam sau hơn 100 năm đã được giải mã. Trước đó, một người thợ thủ công tên là Lê Văn Chỉnh (thuộc tỉnh Quảng Nam) cũng đã bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu phương pháp xây dựng tháp Chăm đã phát hiện được hợp chất dầu rái trong gạch để xây tháp và chất dính.



    Lịch sử


    Tháp Po Sah Inư tọa lạc tại phường Phú Hải, Thành phố Phan Thiết
    Lịch sử xây dựng các đền tháp Champa kéo dài từ cuối thế kỷ thứ 7 đến đầu thế kỷ 17. Trong khoảng thời gian này, những người Champa xưa đã để lại một số lượng lớn các công trình kiến trúc đền tháp, thành luỹ, các tác phẩm điêu khắc. Hiện tại có trên hai mươi cụm di tích kiến trúc đền tháp và rất nhiều phế tích kiến trúc. Các di tích này có giá trị đặc sắc, mang tính toàn cầu, xứng đáng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Một trong những sự quan tâm ấy là việc tổ chức UNESCO đã công nhận Mỹ Sơn là di sản văn hoá thế giới cũng chính là việc đánh giá cao thành quả nghiên cứu về kiến trúc Champa nói chung.
    Theo tiếng Chăm, các đến tháp Champa này được gọi là kalan, nghĩa là "lăng". Các lăng này được các đời vua Chăm xây dựng để thờ cúng các vị thần. Các vị thần được thờ phụng có thể là các vị thần Ấn Độ giáo tiêu biểu như Siva (thần hủy diệt), Ganesha (phúc thần đầu người mình voi)... hoặc đấy còn có thể là các vị Phật. Điều này tùy thuộc vào lòng tin và kính mộ của mỗi vì vua ở các triều đại khác nhau. Ở thánh địa Mỹ Sơn hiện nay phần lớn là công trình kiến trúc tôn giáo thờ các vị thần thuộc Ấn Độ giáo và Bà la môn giáo. Nhưng ở thánh địa Đồng Dương (thuộc địa phận huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đây là kinh đô Phật giáo lớn nhất của Champa.

    Sự giao thoa văn hoá Champa - Đại Việt

    Trong lĩnh vực văn hoá vật thể thì nghệ thuật Champa cổ và nghệ thuật Việt cổ có nhiều nét tương đồng. Nhìn chung thì nghệ thuật Champa có trước nghệ thuật Việt và đã đạt đỉnh cao ngay khi nghệ thuật Việt độc lập chưa ra đời.
    Xét về mặt kiến trúc: các tháp Champa hầu hết ở trên những đồi cao hoặc núi thấp, được xây dựng thành từng cụm, hướng Đông nhìn ra biển đón dương khí thì chùathápViệt Nam thời Lýthời Trần cũng thường xây dựng trên gò, đồi và sườn núi, tạo nên cả một quần thể, hướng Nam hoặc Nam chếch Đông, đón dương khí. Tháp Việt Nam cũng vươn cao với nhiều tầng như tháp Champa và có bình diện vuông gần với các phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Tháp Champa cũng như tháp Lý - Trần về cơ bản cũng xây bằng gạch hoặc phụ thêm một số thành phần bằng đá. Có điều, tháp Champa được đục trực tiếp trên gạch sau khi xây, còn ở tháp Lý - Trần thì hình trang trí được in, khắc trực tiếp trên gạch, rồi sau đó mới mang nung, xây đến đâu là có hình trang trí cho chỗ đó rồi.
    Phổ biến và cũng hấp dẫn nhất trong nghệ thuật Champa là các apsara, đa số thuộc đỉnh cao của điêu khắc Champa thuộc thế kỷ thứ 10. Các nhân vật kết hợp người với chim hoặc với thú đều có cả trong nghệ thuật Champa và nghệ thuật Việt.