Vài nét về quê hương Bình Định


Giữa lòng Việt Nam có một vùng đất mang tên Bình Định. Từ trong thế núi hình sông, dường như trời đất hữu tình muốn dành cho Bình Định một dấu ấn riêng, nên đã sắp bày thiên nhiên vô cùng ngoạn mục: núi tiếp núi trong một trận đồ hùng vĩ, những ghềnh thác, sông suối bồi đắp vỗ về làng mạc trước khi hòa vào biển cả.
Sông và núi vững bền mang trong nó bao trầm tích lịch sử và văn hóa tạo nên một Bình định - nơi lưu giữ những di sản văn hoá vô giá, một Bình Định - đất thơ, đất tuồng, đất võ…

Bình định - Nơi lưu giữ những di sản văn hoá vô giá Bình Định có một mạch nguồn văn hóa rất xa xưa, nếu nói phía Bắc có nền văn hóa Đông Sơn, phía Nam có nền văn hóa Óc Eo thì Bình Định, trung điểm của khu vực miền Trung có nền văn hóa Sa Huỳnh - Truông Xe. Thừa hưởng một mạch nguồn văn hóa đồ sộ và cổ xưa cùng với hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa Bình Định vừa lan tỏa vừa tiếp nhận những giá trị của nền văn hóa khác để bồi đắp, làm phong phú cho mình. Đây là nơi lưu giữ những di sản văn hoá vô giá với dấu tích thành quách và những ngọn tháp rêu phong đứng vững trước thử thách của thời gian cùng những giá trị văn hoá - nghệ thuật đích thực. Ai đã một lần đến Bình Định sẽ nhớ mãi những ngọn Tháp Chămpa ngạo nghễ, đẹp đến ngây ngất bởi lối kiến trúc cho đến bây giờ cũng còn chứa đựng nhiều bí ẩn. Những nhà khảo cổ và nghiên cứu nghệ thuật Chăm đánh giá những cụm tháp Chăm Bình Định đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, và đã dung hòa được những phong cách nghệ thuật Champa và Khmer khiến chúng khác với những quần thể tháp Chăm có trước và sau chúng. Với 13 ngọn tháp còn lại, Bình Định là địa phương thứ 2 sau Quảng Nam sở hữu được nhiều tháp Chăm nhất nước ta. Bình Định, quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, hơn 200 năm đã trôi qua, nhưng dấu ấn về phong trào Tây Sơn, triều đại Tây Sơn vẫn còn in đậm ở nơi đây với những di tích Điện Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung, Thành Hoàng đế. Bên cạnh đó, dòng văn hóa phi vật thể ở Bình Định cũng vô cùng phong phú như các lễ hội, nghệ thuật hát bội, nhạc võ Tây Sơn, ca kịch bài chòi, múa hát bá trạo của cư dân miền biển… Những lễ hội mang tính chất truyền thống và dân gian như : Lễ hội chiến thắng Đống Đa, Lễ hội cầu ngư, Lễ Cúng Cá Ông , Lễ Hội Tây Sơn …và những các lễ hội giàu tính nhân văn của ba dân tộc thiểu số miền núi: Bana, Chăm, H’re sống trên đất Bình Định đã tạo nên một bản sắc văn hoá của riêng vùng đất này. Đây là những món ăn tinh thần đặc sắc không chỉ đối với nhân dân Bình Định mà nó còn là đặc sản để giới thiệu ra ngoài tỉnh và khách quốc tế. Văn hoá ẩm thực Bình Định với nhiều sản vật ẩm thực nổi tiếng đã trở thành một nét văn hoá đặc sắc không thể không nhắc đến. Phải kể đến bánh ít lá gai, thứ bánh làm từ bột nếp thơm ngon, giã nhuyễn với đường và nước vắt từ lá gai tươi, giữa có nhân đậu xanh hay sợi dừa trắng tinh, gói như bánh ú, hấp chín bằng thưng. Bánh ít lá gai ăn vừa ngon ngọt, vừa để được vài ba ngày không ôi. Cùng với bánh ít, nem chua Bình Định cũng là món ăn ngon, hấp dẫn được nhiều người biết đến. Nem chua làm bằng thịt nạc giã nhuyễn, ướp với nước mắm ngon gói lá vông ta ở trong, và nhiều lớp lá chuối bên ngoài để vài ngày ăn thơm ngon. Nem không chỉ dùng nhậu trong các tiệc tùng, cưới hỏi, giỗ kỵ mà còn là món ăn thông dụng dân dã. Nem chua thị trấn Bình Định chỉ sánh với rượu ngon của làng Tân Dân, "Nem chua Bình Định, rượu bầu Tân Dân". Có thể nói, mỗi địa phương ở vùng đất này đều có những món ăn đặc sản riêng hợp thành nét đặc sắc của văn hoá ẩm thực Bình Định đối với người vùng khác.