Hoài Nhơn- quê tôi


Hình ảnh cầu Bồng Sơn cũ Dòng sông Lại nằm ở cửa ngõ vào thị trấn Bồng Sơn từ phía Nam. Bắc qua con sông này, ở địa phận thị trấn Bồng Sơn, có tổng cộng bốn cây cầu. Thứ nhất là cây cầu ở ảnh trên, gọi là cầu Bồng Sơn cũ. Cây cầu này trước đây là trục đường chính giao thương Nam Bắc, cũng chính là quốc lộ 1A,
cho tất cả các phương tiện giao thông đường bộ (tất nhiên, trừ xe lửa). Sau này cầu yếu đi, quốc lộ 1A được mở rộng, người ta bèn xây một cây cầu mới cách cây cầu cũ không
xa, làm một quốc lộ 1A mới tránh đi vô

thị trấn. Kiểu quy hoạch này rất thường thấy ở các thành phố, thị trấn, thị xã, nói chung là khu vực đông dân cư, sầm uất, nhằm hướng các phương tiện giao thông cỡ lớn như xe tải, xe container, xe khách… không đi vô thị trấn, vừa nguy hiểm vừa có khả năng làm kẹt xe, tê liệt giao thông. Ngày nay, cầu Bồng Sơn cũ thường chỉ còn xe máy, xe đạp và một số ô tô, taxi dành cho những ai muốn đi thẳng vô thị trấn mà thôi. Kề bên cầu Bồng Sơn cũ là cây cầu cũ hơn, à không, phải nói là dấu vết còn sót lại của cây cầu cũ bị quân đội Mỹ đánh sập trong chiến tranh. Nói thêm là, bạn đừng có khinh cây cầu Bồng Sơn cũ nha. Nhìn nhỏ nhỏ, cũ kỹ, lại ở một thị trấn xa xôi nhỏ bé, nhưng đây lại là cây cầu dài thứ hai ở miền Trung, sau cầu Đà Rằng bắc qua sông Ba của tỉnh Phú Yên. Cách hai cây cầu cũ không xa là cầu dành riêng cho xe lửa như trong ảnh trên. Từ thị trấn Bồng Sơn đi qua cầu Bồng Sơn cũ là đến xã Hoài Đức. Hiện tại, dọc theo dòng sông Lại ở mỗi đầu cầu sẽ là mỗi bờ đê, một bên phía thị trấn Bồng Sơn, và một bên phía xã Hoài Đức. Thị trấn Bồng Sơn nằm ở phía Tây Nam huyện Hoài Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn 90 km về phía Bắc, phía Bắc giáp xã Hoài Tân và xã Hoài Xuân, phía Nam giáp xã Hoài Đức, phía Tây Nam giáp huyện Hoài Ân. Lịch sử ghi chép lại, Bồng Sơn xưa thuộc về vương quốc Chiêm Thành (vùng đất của người Chăm Pa cổ). Vào năm 1470, vua Lê Thánh Tông xuất quân đánh Chiêm Thành, chiếm được, đã đặt tên thành huyện Bồng Sơn. Theo một số tài liệu không chính thức, Bồng Sơn mang nghĩa là “non bồng”, ý chỉ vùng đất đẹp như cõi tiên của cư dân địa phương.